NHỮNG SỰ THẬT CẦN BIẾT VỀ THỊ TRƯỜNG TMĐT PHILIPPINES

09/05/2022

Tại một thị trường TMĐT mới nổi như Philippines, kinh doanh online không chỉ đơn giản là có sự hiện diện của các nền tảng kỹ thuật số. Việc sở hữu các công cụ hỗ trợ thương mại điện tử cũng quan trọng không kém đối với các nhà bán và đó là một khía cạnh độc đáo của thị trường này.

 

1. Thương mại điện tử Philippines vẫn phải dựa vào các cửa hàng tiện lợi:

Tại Philippines, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng vẫn còn là một vấn đề đáng quan ngại. Bên cạnh yếu tố địa lý phân mảnh, các công ty vận tải còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng do hệ thống đường xá chưa được đầu tư sửa chữa. Ngoài ra, ở các khu vực thành thị, dịch vụ vận chuyển hàng hóa tương đối đắt đỏ, thậm chí có thời điểm lên tới 10% tổng giá trị của các mặt hàng mua trực tuyến.

 

Để giải quyết vấn đề trên, nhiều nhà bán thương mại điện tử đã thiết lập các điểm nhận hàng trực tiếp, thường là một cơ sở có vị trí thuận lợi như các trung tâm mua sắm hoặc cửa hàng tiện lợi, nơi khách hàng có thể đến lấy hàng mình đã đặt trên các nền tảng số. Không chỉ vậy, hình thức mua sắm này còn nổi tiếng đến mức một số nơi thậm chí đã biến thành các “trung tâm kỹ thuật số”, địa điểm mà người mua hàng sẽ được hỗ trợ bởi một đại lý chuyên mua hộ hàng trực tuyến. Dễ thấy, vì việc giao hàng tận nhà có thể khá tốn kém với người tiêu dùng tại quốc đảo này, nên tại các khu vực như nông thôn..., nhiều công ty, doanh nghiệp thương mại điện tử quyết định chuyển hướng sang bán các mặt hàng tại những cửa hàng lâu đời để dễ tiếp cận hơn với khách hàng tiềm năng.

 

2. Người Philippines không thực sự tin tưởng thương mại điện tử:

Sự phổ biến của hình thức TMĐT hybrid kể trên (TMĐT kết hợp cả hình thức online và offline) đã chỉ ra một vấn đề lớn nhưng lại thường bị bỏ qua, đó là sự không tin tưởng của người Philippines đối với thương mại điện tử.

 

Theo một nghiên cứu được trang Tech in Asia chỉ ra, một số người Philippines vẫn còn nghi ngờ tính hợp pháp và chất lượng của hàng hóa được bán trên các sàn thương mại trực tuyến, và đó là một mối quan tâm hoàn toàn có cơ sở. Ngay cả hai nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất của đất nước này, Shopee và Lazada, cũng đã thiết lập các gian hàng mang chứng nhận “Mall” để giúp người mua hàng phân biệt giữa các nhà phân phối sản phẩm chính thức với các cửa hàng nhỏ bán lẻ.

 

3. Hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng vẫn rất quan trọng với người Philippines:

Tại Philippines, hay như hầu hết các thị trường TMĐT mới nổi, sự hiện diện đầy đủ của các chủ thể tham gia hoạt động mua bán hàng hóa vẫn đóng vai trò thiết yếu để đảm bảo với khách hàng rằng một giao dịch đã được thực hiện. Điều này được phản ánh trong nghiên cứu của ngân hàng Trung ương Philippines rằng: bất chấp việc ngày càng nhiều người dân quốc gia này lựa chọn sử dụng ví điện tử, phần lớn người dùng Internet ở Philippines vẫn không cho đây là hình thức thanh toán hàng đầu của họ do những lo ngại về sự an toàn và bảo mật.

 

Trong tương lai gần, thương mại điện tử hybrid được dự đoán sẽ vẫn tiếp tục phát triển và có một vị trí quan trọng trong lĩnh vực TMĐT tại các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines. Các yếu tố offline dù sẽ dần được lược bớt song vẫn cần thiết để thị trường kinh doanh hàng hóa tại đây có thể theo kịp những bước phát triển của thương mại điện tử. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng chúng sẽ đóng một vai trò quyết định đối với những thương hiệu muốn thành công tại quốc đảo này.